Ngày 24/5, Diễn đàn khoa học Gây mê hồi sức-Răng Hàm Mặt lần thứ nhất diễn ra tại Hà Nội, cung cấp các giải pháp gây mê, an thần trong phẫu thuật răng hàm mặt, đặc biệt là trong quá trình can thiệp nha khoa ở trẻ em.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội nghị Khoa học và Triển lãm Răng Hàm Mặt Quốc tế Hà Nội lần thứ Nhất (HAIDEC 2024), diễn ra từ 22 đến 25/5, với sự tham gia các nhà khoa học nổi tiếng trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội, Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam cho hay các phương pháp phẫu thuật răng hàm mặt đang ngày càng phát triển, đạt được tiến bộ y học, song song với đó, gây mê hồi sức trong răng hàm mặt cũng có những bước tiến dài trong thời gian vừa qua, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị cho người bệnh trong và sau phẫu thuật.
Theo ông Bính, diễn đàn tập hợp các nhà khoa học toàn quốc chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, góp phần nâng tầm ngành Răng Hàm Mặt Việt Nam, thể hiện sự quan tâm của các nhà khoa học trong lĩnh vực này.
“Trong lĩnh vực nha khoa, nhiều kỹ thuật Việt Nam đã tiệm cận với một số nước trong khu vực và trên thế giới, trong khi đó giá cả phải chăng. Vì vậy, chuyên khoa này đã không chỉ giữ chân được người bệnh trong nước mà còn thu hút được nhiều Việt kiều, người nước ngoài đến khám chữa bệnh,” ông Bính nói.
Diễn đàn khoa học Gây mê hồi sức-Răng Hàm Mặt gồm 16 báo cáo đến từ các chuyên gia về ứng dụng gây mê trong ngành răng hàm mặt, trong đó đề cập đến xu thế sử dụng an thần trong phẫu thuật răng hàm mặt, trong nha khoa trẻ em; Gây mê trong nha khoa trẻ em; xử trí ngộ độc thuốc tê; xử trí sốc phản vệ; trạng thái lo sợ hoảng loạn trong nha khoa…
Đáng chú ý, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Quang Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội có tham luận “Những xu hướng mới gây mê/an thần trong Răng Hàm Mặt” nêu lên khái niệm “an thần tỉnh” là phương pháp chữa răng nhẹ nhàng, êm ái, giảm thiểu lo âu, hoảng sợ, giúp việc can thiệp nha khoa ngày càng thân thiện với người dân hơn.
“Gây mê hồi sức là một phần vô cùng quan trọng trong thành công của các ca phẫu thuật, cho phép người bệnh trải qua cuộc phẫu thuật an toàn, thoải mái và không đau đớn. Ngày nay, gây mê ngoại trú và an thần tỉnh đang là xu thế mới trong răng hàm mặt, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, mang lại giá trị y học và nhân văn cao,” ông Bình nói.
Theo đó, phương pháp này đặc biệt phù hợp trong điều trị nha khoa cho trẻ em, bao gồm cả trẻ em tự kỷ, bại não, thường thiếu sự hợp tác với bác sỹ.
Theo ông Bình, có những cuộc can thiệp nha khoa kéo dài 3-4 tiếng, nhờ phương pháp này mà bác sỹ có thể thực hiện thành công, dễ chịu cho người bệnh.
Cùng đề tài nghiên cứu này, Thạc sỹ, bác sỹ Phạm Quốc Khánh cho hay quản lý hành vi trong nha khoa trẻ em là điều kiện tiên quyết để có một can thiệp thành công.
“Với trẻ kém hợp tác nhiều, các phương pháp nâng cao được ưu tiên hơn do tỷ lệ thành công cao. Xu thế sử dụng an thần ngày càng nhiều do hiệu quả cao, chi phí ít, áp dụng rộng rãi, trong đó Midazolam đường uống rộng rãi nhất. Ngoài ra, tác dụng gây quên làm trẻ không bị ám ảnh cho can thiệp trong tương lai,” ông Khánh nói.
Chia sẻ tại diễn đàn, Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Thu Thủy cũng cho rằng gây mê để điều trị nha khoa cho trẻ em đang có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây.
Sau các biện pháp quản lý hành vi khác, gây mê điều trị nha khoa có nhiều thuận lợi khi trẻ có sâu răng trầm trọng, không hợp tác, cần điều trị toàn diện, khuyết tật về thể chất hoặc tinh thần, thời gian điều trị kéo dài…
Bác sỹ Thủy đã trình bày những nguy cơ, một số biến chứng thường gặp liên quan gây mê và lập kế hoạch quản lý trước, trong và sau khi gây mê để điều trị nha khoa cho bệnh nhân./.